Farm Gate
thứ hai 07/10/2024

Banner ads header
Icon Collap
...
Trang chủ / Nông dân Tây nguyên hưởng lợi từ giá bán khoai nguyên liệu cho PepsiCo

thứ ba 16/03/2021

Nông dân Tây nguyên hưởng lợi từ giá bán khoai nguyên liệu cho PepsiCo

Nông dân Tây nguyên hưởng lợi từ giá bán khoai nguyên liệu cho PepsiCo

Với năng suất bình quân 26 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí sản xuất dự kiến từ 90 triệu đến 100 triệu đồng một hecta cho 4 tháng canh tác...

Vùng nguyên liệu mở rộng

PepsiCo là Tập đoàn đồ uống và thực phẩm toàn cầu, hoạt động trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, PepsiCo có các nhãn hiệu toàn cầu nổi tiếng như Frito-Lay, Gatorade, Pepsi-Cola, Quaker, Tropicana… Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 1994, đến nay, PepsiCo đã đầu tư hơn 500 triệu USD và tạo ra 3.000 việc làm trực tiếp, hơn 10.000 việc làm gián tiếp với 14 nhà máy và nhà kho trên cả nước.

Đại diện PepsiCo làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai.

Tại thị trường Việt Nam, ngành hàng snack khoai tây ngày càng lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều trên hai con số. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu của khoai tây tươi nội địa chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% của nhu cầu này.

Để có được những sản phẩm chất lượng quốc tế đến tay người tiêu dùng, PepsiCo cần có nguồn nguyên liệu lớn trong nước. Gần 10 năm qua, PepsiCo đã miệt mài nghiên cứu, tìm kiếm vùng đất và thử nghiệm để xây dựng vùng nguyên liệu. Cho đến nay, khát khao mở rộng vùng nguyên liệu ngay tại thị trường Việt Nam của PepsiCo vẫn chưa bao giờ dừng.

Doanh nghiệp đạt mục tiêu kép

Năm 2020 là cột mốc quan trọng đối với PepsiCo khi quyết định mở rộng vùng trồng nguyên liệu khoai tây sang các tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Đây là vùng có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với giống cây trồng này.

Năng suất khoai tây vụ đông năm 2020 tại huyện Chư Sê, Gia Lai đạt bình quân 30 tấn /ha.

Phương thức hợp tác của PepsiCo là ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ về kỹ thuật, cùng đầu tư ứng giống, phân bón với chi phí ước tính khoảng 40% cho một hecta, nông hộ đầu tư 60% cho việc thuê đất, nông dược, nhân công, điện nước. Với năng suất bình quân 26 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí sản xuất dự kiến từ 90 triệu đến 100 triệu đồng một hecta cho 4 tháng canh tác. Có thể nói, đây là một trong những cây trồng cho phép dòng tiền nhanh với tỷ suất lợi nhuận cao so với các giống cây trồng khác. Phương thức này giúp nông dân yên tâm khi tham gia hợp tác.

Với chương trình hợp tác cùng nông dân trồng khoai tây để làm nguyên liệu chế biến snack như hiện nay, PepsiCo đã đảm bảo được 75% nguyên liệu trong mùa khô tại Việt Nam và có thể tính đến việc xuất khẩu nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cho các công ty thành viên của Tập đoàn trên toàn cầu.

Cùng với việc đảm bảo vùng nguyên liệu để sản xuất, PepsiCo cũng đã tạo sinh kế, thu nhập ổn định, bền vững cho người dân khi tham gia chương trình.

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, khoai tây là cây trồng mới tại địa phương. Sau thời gian khảo nghiệm giữa doanh nghiệp và nông dân có thể khẳng định hiệu quả.

Hiện tại, Đắk Lắk mới có 2 huyện trồng khoai tây. Trong đó, Cư M’gar là địa phương đầu tiên ở Đắk Lắk trồng khoai tây. Vừa qua, Công ty ký kết ghi nhớ với UBND huyện về việc mỗi năm sẽ tăng thêm 30% diện tích trồng khoai tây tại địa phương. Cơ chế công ty sẽ bao tiêu sản phẩm giúp nông dân ổn định đầu ra, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Cũng trong vụ đông 2020, tại tỉnh Gia Lai, giống khoai tây của PepsiCo đã cho sản lượng ngoài mong đợi. Với địa hình cao 700m so với mực nước biển, đây là vùng đất đỏ bazan nên thích hợp với các loại cây trồng lấy củ. Sau 8 năm khảo sát và trồng thí điểm, về mặt nông học, thổ nhưỡng khu vực huyện Chư Sê rất phù hợp với việc trồng khoai tây vụ đông. Cây trồng ít sâu bệnh, hàm lượng chất khô trong củ rất tốt, phù hợp để làm nguyên liệu chế biến. Vụ đông vừa qua tại Chư Sê, năng suất khoai tây đạt trên 30 tấn/ha.

Ông Trịnh Ảnh, thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết, đây là vụ khoai đầu tiên gia đình ông trồng trên đồng đất Gia Lai. Với diện tích 7ha, vụ khoai năm 2020 đạt trên 30 -33 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về 700 triệu sau 3 tháng canh tác. So với các loại cây ngắn ngày, khoai tây là vượt trội hơn cả, sản phẩm sau thu hoạch không lo đầu ra, giống, phân bón và kỹ thuật đã có Pepsico cung cấp.

“Nếu vụ sau vẫn được hợp tác với PepsiCo để trồng khoai tây thì dù có bán nhà tôi cũng sẽ tham gia.”- nông dân Nguyễn Văn Thạnh, xã Bờ Ngoong, Chư Sê, Gia Lai khẳng định.

Chung niềm vui với ông Ảnh, nông dân Nguyễn Văn Thạnh, xã Bờ Ngoong, Chư Sê, Gia Lai chia sẻ, trước đây, khi trồng hồ tiêu tôi gần như phá sản, khi đi qua vùng Lâm Đồng, nhìn thấy ruộng khoai tây đẹp, moi thử thấy củ đẹp, qua dò hỏi mới biết đây là khoai tây trồng theo mô hình liên kết với Pepsico. Sau khi liên hệ, được bộ phận nông học của PepsiCo giúp đỡ, ba chị em tôi đã trồng thí điểm 8ha xen canh /15ha diện tích trồng cao su. Vụ đông 2020, sau khi trừ chi phí, ước tính bỏ túi hơn 800 triệu đồng.

Trước đây, tôi đã trồng khoai lang nhưng chất lượng giống đầu vào không được kiểm soát tốt như giống khoai tây của PepsiCo. So với trồng khoai lang và bí đỏ, cây khoai tây chỉ cần chăm sóc, sau thu hoạch đã có Pepsico bao tiêu đầu ra - Ông Thạnh cho hay.

Cũng tại xã Bờ Ngoong, Chư Sê, Gia Lai, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo trồng thử 4ha khoai tây, sau khi thu hoạch, sản lượng đạt 117 tấn, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng. Trong năm tới, ông dự kiến sẽ thuê thêm 20ha để trồng.

Ông Trịnh Ảnh, thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Đánh giá hiệu quả của chương trình hợp tác trồng khoai tây của PepsiCo, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là địa phương có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, cây khoai tây truyền thống trước đây chỉ đạt năng suất trên 10 tấn/ha.

Tại tỉnh Gia Lai, với diện tích trồng khảo nghiệm giống khoai tây của PepsiCo đã cho kết quả tốt. Có những diện tích năng suất thấp cũng đạt 20 tấn/ha, có nơi đạt 30-32 tấn/ha, chất lượng củ bước đầu được đánh giá tốt. So với các loại cây trồng ngắn ngày, cây khoai tây là một lợi thế, cây ngắn ngày mà lợi nhuận ổn định.

Với Chương trình hợp tác trồng khoai tây để đem lại lợi nhuận ổn định bình quân trên 100 triệu đồng/ha, chia sẻ rủi ro cùng nông dân của PepsiCo, cùng với khí hậu và thổ nhưỡng của Gia Lai phù hợp sẽ là căn cứ để phát triển bền vững Chương trình này.

Là thành viên của Đối tác Nông nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (PSAV) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiến lược phát triển chung của PepsiCo là phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với việc hợp tác với người nông dân, các đối tác để tạo ra chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông nghiệp, qua đó không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho công ty mà còn đảm bảo về sinh kế lâu dài cho cho người nông dân.

Nam Khánh

Nguồn: https://nongnghiep.vn/nong-dan-tay-nguyen-huong-loi-tu-gia-ban-khoai-nguyen-lieu-cho-pepsico-d286193.html


3 bình luận
Profile Picture
Huy Trương Đăng

một hai ba

1 Trả lời 3 năm trước
2 trả lời