Farm Gate
thứ năm 25/04/2024

Banner ads header
Icon Collap
...
Trang chủ / Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc cho cây cà phê-VnSAT

thứ sáu 26/03/2021

Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc cho cây cà phê-VnSAT

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã giúp người trồng cà phê tại tỉnh Kon Tum sử dụng nguồn nước tưới, phân bón và công lao động một cách có hiệu quả.

Nhờ công nghệ tưới tiết kiệm, ông Hải không tốn nhiều thời gian chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Tuấn Anh

Tiết kiệm được hơn 30% chi phí

Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, từ năm 2016 đến nay, diện tích cây cà phê tăng mạnh. Năm 2016 là trên 16.600 ha, đến năm 2019 đạt trên 21.470 ha.

Tuy nhiên, hệ thống các công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu tưới cho cây cà phê, hạn hán, thiếu nước gây thiệt hại không nhỏ đối với người trồng cà phê. Vì vậy, việc triển khai áp dụng các mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây cà phê Kon Tum thông qua dự án VnSAT là vô cùng có ý nghĩa.

Hiện, Kon Tum dù đang vào mùa khô hạn nhưng vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Xuân Hải (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) vẫn xanh mướt, cành lá đầy sức sống. Có được kết quả này là do gia đình ông Hải đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc.

Dạo quanh vườn cà phê, ông Hải phấn khởi cho biết, mỗi lần tưới nước hoặc bón phân, ông chỉ cần một vài thao tác như hòa phân, mở cầu dao máy bơm, mở van, phần còn lại hệ thống tự thực hiện. Nếu như trước đây ông phải mất 8 tiếng cho một lần tưới thì nay chỉ cần 45 phút vườn cà phê đã đủ lượng nước cần thiết.

Theo ông Hải, hệ thống tưới tiết kiệm được gia đình đầu tư hết khoảng 90 triệu, trong đó Ban quản lý dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Kon Tum hỗ trợ 50% kinh phí.

Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, ông Hải cho biết, tưới tiết kiệm giúp cây cà phê được tưới đều hơn, cùng với đó lượng nước và phân bón giảm được 30% so với tưới thông thường. Bên cạnh đó, tưới tiết kiệm cũng giảm đáng kể được tiền điện. Trước đây trung bình 1 năm ông tưới 4 lần hết khoảng 1,6 triệu tiền điện, còn hiện tại với công nghệ tưới tiết kệm gia đình ông chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng.

“Sau khi sử dụng công nghệ này thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt chỗ vận hành, không phải tốn nhiều thời gian. Cùng với đó, chất lượng cây cà phê sẽ tốt hơn nhờ lượng nước, phân bón được trải đều trên cây cà phê” – ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung cho biết, nguồn vốn VnSAT hỗ trợ phát tiển hệ thống tưới tiết kiệm tại tỉnh Kon Tum đã trải qua được 3 năm và HTX Sáu Nhung là đơn vị đầu tiên tại huyện Đăk Hà mạnh dạn đầu tư lắp đặt.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê hơn 10 ha của gia đình, ông Sáu cho biết, với hệ thống tưới phun mưa tận gốc, ước tính gia đình có thể tiết kiệm được hơn 30% về lượng nước, phân bón và tiền điện. Đặc biệt, chi phí nhân công giảm rõ rệt.

Hệ thống van đóng mở giúp người dân dễ dàng vận hành. Ảnh: Tuấn Anh

Chẳng hạn, với 150 cây cà phê, tưới theo phương thức bình thường phải mất 7 tiếng, nhưng với công nghệ tưới tiết kiệm chỉ mất 4 tiếng. Với việc giảm thời gian dẫn đến nguồn nước, phân bón cũng giảm.

Về nhân công, trước đây khi vào mùa tưới, trung bình 1 ha ông Sáu phải thuê 2 nhân công tưới trong 2 ngày mới xong, chi phí hết khoảng 2 triệu đồng. Một năm tưới 4 lần, cộng với tiền điện, phân bón, khấu hao thiết bị máy móc, ông Sáu phải chi phí khoảng 25 triệu đồng/ha.

“Từ khi sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhân công chỉ cần 1 người và các khoản chi phí khác cũng giảm được gần 1 nửa” – ông Sáu phấn khởi cho biết.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Kon Tum, giải pháp tưới nước tiết kiệm bằng công nghệ Israel đã được nhiều tỉnh thành áp dụng thành công cho vườn cà phê. Với công nghê này, người dân không chỉ tiết kiệm nước, phân bón mà còn giảm công lao động. Cụ thể, phương pháp này có thể giúp tiết kiệm 30-40% lượng nước so với tưới truyền thống. Ngoài ra, nông dân còn tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón, giảm nhân công lao động và tăng được năng suất cà phê từ 15% – 20%.

Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm 30% chi phí. Ảnh: Tuấn Anh

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh cho biết, áp dụng hệ thống này chi phí nhân công giảm tối đa khoảng 90%. Chi phí phân bón giảm từ 25-30%. Những nhân công khác như đào lắp bồn, nhân công bỏ phân và nhân công phụ như tưới phân, tưới thuốc sẽ giảm rất nhiều.

Đáng chú ý, công nghệ này phù hợp địa hình đồi dốc ở Kon Tum, dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng.

Sức bật từ gói hỗ trợ VnSAT

Trước đây, người dân thường áp dụng quy trình tưới gốc hay còn gọi là tưới dí. Tưới theo phương pháp này vừa hao nước, vừa tốn nhiều công lao động và hiệu quả sử dụng phân bón thấp, chi phí cao, gây lãng phí.

Trong khi đó, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê lại gặp rất nhiều khó khăn do như chi phí ban đầu cao, trang thiết bị để ngoai trời nên khó bảo quản, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế…

Hệ thống tưới tiết kiệm giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Ảnh: Tuấn Anh

Để giúp người dân, những năm qua dự án VnSAT Kon Tum đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn công nghệ tưới tiết kiệm tại 3 huyện Đăk Hà, Kon Plông, Đăk Glei. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ 50% chi phí thiết kế và xây lắp trang thiết bị, người dân chỉ cần bỏ vốn đối ứng còn lại là có hệ thống tưới tiết kiệm. Qua đánh giá thực tế, 100% diện tích áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà phê đều đem lại lợi ích cao.

Đề cập về gói hỗ trợ, ông Nguyễn Xuân Hải cho biết, dự án VnSAT triển khai chương trình tưới tiết kiểm theo hình thức hỗ trợ 50% khiến người dân rất phấn khởi.

“Không phải gia đình nào cũng có thể bỏ ra 90 triệu đồng để lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm. Nhưng với việc hỗ trợ 50% chi phí thực sự đã giúp ích cho họ rất nhiều” – ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Tri Sáu cũng cho biết thêm, hiện có hơn 32 ha trồng cà phê của HTX được dự án VnSAT hỗ trợ theo hình thức 50/50. Nguồn hỗ trợ này rất quan trọng và thiết thực nếu không người dân sẽ không đủ sức để đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm cho vườn cà phê của mình.

“Để áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm từ máy bơm, hệ thống phun mưa tận gốc phải mất gần 100 triệu đồng/ha, chắc chắn không nhiều người dân dám đầu tư nhất là khi cà phê cho thu hoạch bấp bênh. Việc dự án VnSAT hỗ trợ 50% sẽ tạo động lực để người dân mạnh dạn đầu tư, qua đó yên tâm sản xuất” – ông Sáu cho biết

Ông Đoàn Năng Rường, Phó Giám đốc dự án VnSAT Kon Tum cho biết, hệ thống tưới tiết kiệm là một trong những chương trình ứng dụng công nghệ cao đang được VnSAT Kon Tum triển khai cho các hộ dân để nâng cao đời sống kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí công lao động, giảm lượng nước tưới, bảo vệ môi trường.

Theo ông Rường, VnSAT Kon Tum được giao khoán hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum xây dựng mô hình tưới tiết kiệm với tổng diện tích 100 ha. Hiện tại, dự án đã hỗ trợ được 36 ha và tiếp tục triển khai hỗ trợ 50 ha trong năm 2020.

Theo ông Rường, tiêu chuẩn để người dân nhận được gói hỗ trợ này thì vườn cà phê phải nằm trong dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại tỉnh Kon Tum. Vườn cà phê không được quá già cỗi, thời gian trồng không quá 15 năm. Quan trọng hơn hết, các hộ dân phải tuân thủ quy trình tái canh cây cà phê theo hướng bền vững.

“Mục tiêu và nhiệm vụ chúng tôi đặt ra phải đẩy nhanh làm việc với các huyện, các xã, các tổ chức nông dân trong việc lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm nhằm hướng đến mô hình sản xuất cà phê bền vững”.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum, với cây cà phê mới trồng, bà con nông dân tiến hành tưới nước 5 - 6 tiếng/ngày, tưới liên tục 3 - 4 ngày để bổ sung lượng nước và giữ ẩm cho cây. Đối với cây cà phê bước vào giai đoạn kinh doanh, cần lắp đặt bổ sung thêm 1 dây tưới nhỏ giọt chạy song song với dây tưới nhỏ giọt cũ (đối diện phía bên kia của gốc cây), tưới nước 3 tiếng/ngày, lịch tưới phù hợp với từng giai đoạn để cây sinh trưởng và trổ bông đúng thời điểm.

TUẤN ANH – ĐĂNG LÂM


0 bình luận