Chỉ cần chạm tay vào phần mềm cài đặt trên điện thoại di động, nông dân Tây Nguyên đang ở xa cả trăm km vẫn thực hiện tưới cho cả vườn cà phê.
Nhờ hệ thống tưới tiết kiệm nên vào mùa khô, nhiều vườn cà phê ở Đăk Lăk vẫn xanh mơn mởn. Ảnh: Minh Hậu.
Xa cả trăm km vẫn khởi động máy tưới cà phê
Khác với những năm trước, Đăk Lăk bước vào tháng 5 nhưng những cơn mưa vẫn chưa về. Ở khắp các cánh đồng huyện Cư M’gar, cỏ cây héo úa, kênh mương trơ đáy dưới cái nắng chang chang như đổ lửa.
Trong không gian ngột ngạt, khô hạn, khu vườn của gia đình ông Quách Đức Thường ở xã Quảng Hiệp lại nổi lên với màu xanh bát ngát và đất nền có độ tơi xốp đặc biệt.
Ông Thường canh tác 3,5ha cà phê và vườn đã bước sang năm thu hoạch thứ 10. Nông dân 57 tuổi cho biết, giờ đây, nhờ hệ thống tưới hiện đại nên gia đình không còn sợ mùa khô như những năm trước.
Dùng tay chạm vào phần mềm trên điện thoại thông minh, ông Thường chọn vào mục “Quản lý tưới” rồi bấm vào ô “bật” ở các hạng mục “máy bơm”, “van tưới”. Lúc này, bộ xử lý điện tử ở cạnh tủ điện trong nhà bắt đầu hoạt động, hệ thống tưới được kích hoạt.
Khi máy đã chạy, nông dân 57 tuổi bước ra vườn và chỉ xuống bét phu sương dưới gốc cà và nói: “Nó chạy rồi đấy! Khỏe ru! Bây giờ chỉ cần cái chạm tay là tưới được cho cả 3,5ha vườn. Nếu có công việc, phải đi xa cả mấy trăm km thì cũng không lo vì hệ thống này vẫn cho mình vận hành”.
Ông Thường cho biết, những năm trước, khi gia đình chưa lắp đặt hệ thống tưới thông minh, việc cung cấp nước cho cây gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày, vợ chồng ông phải kéo ống, đưa máy bơm công suất lớn xuống hồ nước cách nhà 200m để hút nước đẩy về vườn.
“Công việc nặng nhọc và phải để máy bơm chạy liên tục suốt nhiều ngày liền. Về phần mình, việc ăn trưa tại rẫy, nằm tại lô cà phê là chuyện thường tình. Vất vả là thế, nai lưng ra làm là thế nhưng ngày nào năng suất lắm cũng chỉ tưới được 200 gốc cà. Vậy nên đến mùa khô, chả mấy khi ăn, ngủ trong nhà.
Với trên 3.000 gốc cà phê, hai vợ chồng quần quật tưới cả nửa tháng mới xong một đợt. Nhưng hiện nay, hệ thống tưới được lắp đặt đã vận hành hiệu quả, chỉ cần tưới 1 ngày là xong một đợt” – Ông Thường nói.
Ở huyện Krông Nô (Đăk Nông) cũng không khác nhiều so với Đăk Lăk, vẫn héo hắt dưới cái nắng chói chang. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 41°C khiến cảnh vật, cây cối của vùng đồi núi trở nên héo úa.
Nước tưới được đảm bảo giúp cây trồng phát triển mạnh. Ảnh: Minh Hậu.
Vậy nhưng khu vườn cà phê rộng 1,6ha của gia đình ông Hoàng Văn Lợi ở thôn Đăk Hoa (xã Tân Thành, huyện Krông Nô) lại được phủ một màu xanh ngắt của cà phê. Lá dày và quả non ken kín các mắt cành.
Vừa ngắm vườn cây, nông dân 48 tuổi thổ lộ: “Đã nếm trải hạn khốc liệt nhiều năm mới cảm nhận được niềm vui sướng khi thấy vườn cà phê của mình tươi tốt giữ khô hạn.
Năm nay, nhờ có hệ thống tưới nhỏ giọt rải khắp vườn nên cây mới phát triển mạnh được thế. Mấy hộ trong thôn không làm tưới tiết kiệm, nước ao hồ khô cạn, giếng khoan không đủ nước nên cây khô héo. Lá trên cành bị úa và rụng gần hết. Trái non cũng rụng đầy gốc”.
Có được thành quả đó là nhờ vào năm 2018, khi dự án VnSAT có chương trình hỗ trợ ông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, ông Lợi lập tức tham gia.
Lúc bấy giờ, ở địa phương chưa có mô hình nào tương tự và bản thân ông không biết hiệu quả đến đâu nhưng cũng quyết “liều một phen”.
Được hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt, gia đình ông chỉ phải bỏ trên 50 triệu đồng cho 1,6ha vườn. Và giờ, đã hết thời ăn rẫy, nằm lô. Cà phê đẹp và cho năng suất cao. Cuộc sống ấm no đang tràn về.
Nông dân Đăk Lăk đầu tư, xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm thông minh nên đạt nhiều lợi ích. Ảnh: Minh Hậu.
“Với mô hình tưới tiết kiệm, gia đình tôi có thể thực hiện bón phân cho cây bằng hình thức pha trộn phân bón vào nước. Nguồn phân hòa tan sẽ được phân bổ về tận gốc, giúp cây hấp thụ tối đa và cho năng suất cao.
So với cách bón phân truyền thống thì cách bón thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt lợi hơn rất nhiều. Nếu ngày trước bón cho cây 0,5-0,7 kg thì bây giờ chỉ cần bón 0,3-0,4kg.
Năm vừa rồi, gia đình tôi tiết kiệm được trên 15 triệu đồng tiền phân bón và cây vẫn phát triển rất mạnh, năng suất tăng cao” - ông Hoàng Văn Lợi khẳng định.
Giải pháp hữu hiệu mùa khô hạn
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk cho biết: Thời gian qua, dự án VnSAT đã hỗ trợ một cách thiết thực cho nông dân địa phương. Trong điều kiện mùa khô kéo dài 6 tháng, công nghệ tưới tiết kiệm đã mang lại hiệu quả, giúp người dân giảm chi phí sản xuất, giảm công sức và điều đặc biệt là tiết kiệm được nước tưới.
“Đặc biệt, tỉnh là một trong những địa phương đi đầu trong áp dụng công nghệ tưới thông minh vào sản xuất cà phê. Công nghệ này hiện đại và chủ vườn có thể vận hành tưới cho cây dù đang ở nơi khác. Chỉ cần có sóng điện thoại, sóng Internet là mọi việc được đảm bảo”, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết.
Cũng theo ông Hoàn, thông thường, mùa mưa ở địa phương bắt đầu vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, đến thời điểm này trời vẫn nắng nóng, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên đến 38°C. Ở điều kiện thời tiết này, những vườn cây tưới truyền thống sẽ không đủ nước nên việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà phê rất cần thiết và là giải pháp căn cơ chống hạn.
Việc tưới cho cây trồng có thể dùng điện thoại để vận hành. Ảnh: Minh Hậu.
Còn ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Đăk Nông thì khẳng định: Ở Đăk Nông, năm nay mùa khô kéo dài khiến việc phát triển cây trồng gặp nhiều khó khăn.
85% nước tưới cho cây cà phê là nguồn từ sông ngòi, ao, hồ tự nhiên hoặc hồ nhân tạo nhưng đều đã cạn kiệt. 15% còn lại là nguồn nước từ các giếng khoan và nguồn này cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.
Do vậy, mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà phê do VnSAT triển khai giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân và đây là giải pháp để thích ứng với tình hình khô hạn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk, hiện nay, giá cà phê xuống thấp nên chi phí đầu tư để lắp đặt hệ thống tưới đối với nhiều hộ dân rất khó khăn. Ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk khuyến khích dự án hỗ trợ người dân về các khoản vốn vay để họ có thể lắp đặt hệ thống tưới cho cây cà phê, ổn định sản xuất.
Nhiều nông dân tham gia dự án cho hay, việc tưới tiết kiệm giúp họ phát triển cây cà phê hiệu quả hơn cách làm truyền thống. Việc bón phân cho cây cũng có thể thực hiện bằng cách pha vào nước để hệ thống phun đến tận gốc, giúp cây hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng.
Tưới tiết kiệm giúp giảm lượng nước, tiết kiệm tiền điện, tiết kiệm tiền thuê nhân công, giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng giá trị, lợi nhuận sản xuất cà phê.
MINH HẬU – KIM SƠ
.
hay
hay quá
helll
heelo
vinh